01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao: Phát triển “Tam nông” bền vững
Tin tức - Sự kiện
Tin tức - Sự kiện

01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao: Phát triển “Tam nông” bền vững

Ngày 5/4 vừa qua, tại Hợp tác xã Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ), Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và các đơn vị liên quan tổ chức khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp thuộc Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (Đề án 1 triệu ha lúa). Agribank sẽ tư vấn, hỗ trợ và là ngân hàng chủ lực cung ứng vốn và các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng cho các đối tượng tham gia Đề án.

Đồng bằng Sông Cửu Long đã khởi động những mô hình trồng lúa chất lượng cao đầu tiên

Ngay sau khi Đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao được ban hành, với sự quyết tâm của các bên tham gia, nhiều địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã khởi động những mô hình trồng lúa chất lượng cao đầu tiên, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nghiêm ngặt như sử dụng giống xác nhận, áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ, áp dụng bón phân chuyên vùng chuyên kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa…

Với vai trò Ngân hàng thương mại (NHTM) chủ lực trong lĩnh vực "Tam nông", Agribank mong muốn và đang hoàn thiện các điều kiện cần thiết, sẵn sàng nguồn vốn, dịch vụ tài chính ngân hàng đồng hành cùng bà con nông dân tham gia vào đề án phát triển nông nghiệp mới hiện đại, mô hình kiểu mẫu bắt kịp với xu thế phát triển bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nông sản gắn với giảm phát thải, bền vững trong điều kiện biến động thị trường và xu hướng tiêu dùng; giúp người nông dân liên kết thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Agribank tham gia vào các đề án liên quan đến việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, bền vững, thân thiện với môi trường và giảm phát thải trong quá trình canh tác, thu hoạch và chế biến. Có thể kể đến các chương trình như Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025; Vùng nguyên liệu lúa gạo và trái cây vùng Đồng bằng Sông Cửu Long…

Agribank đồng hành cùng khu vực “Tam nông” xây dựng nền móng phát triển bền vững

Agribank xác định đồng hành cùng khu vực “Tam nông” để xây dựng nền móng phát triển bền vững bắt nhịp xu hướng, yêu cầu của thị trường chính là một nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, thể hiện qua việc tích cực thúc đẩy quá trình thực hiện vào các cam kết ESG, phát triển các sản phẩm ngân hàng xanh và tham gia vào các Đề án, dự án phát triển xanh...

Trong những năm gần đây, Agribank mở rộng đầu tư các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường như nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; điện mặt trời; cung cấp tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung - Tây Nguyên...

Việc cam kết và triển khai ESG là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược cốt yếu Agribank đặt ra trong giai đoạn tới. Lợi thế của Agribank là không chỉ đóng góp bằng những nỗ lực thay đổi để bền vững trong nội bộ mà còn có những tác động mạnh mẽ đến hơn 20 triệu khách hàng và cộng đồng thông qua sản phẩm dịch vụ ngân hàng xanh, chương trình tín dụng cho lĩnh vực xanh, trái phiếu xanh…

Thanh Thủy

Xem thêm
Mua bảo hiểm
1900 9066