ABIC nỗ lực phát huy sứ mệnh bảo vệ nguồn vốn cho nông nghiệp
Tin tức - Sự kiện
Tin tức - Sự kiện

ABIC nỗ lực phát huy sứ mệnh bảo vệ nguồn vốn cho nông nghiệp

(Chinhphu.vn) - Với những thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, thảm họa gây ra, vai trò của bảo hiểm càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Bảo hiểm Agribank (ABIC) luôn sẵn sàng đồng hành cùng người nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc bảo vệ tài sản và nguồn lực sản xuất, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn như hiện nay.

Với những thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, thảm họa gây ra, vai trò của bảo hiểm càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết - Ảnh: VGP/HT

Đây là ý kiến của ông Quách Tá Khang, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) tại Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL do NHNN phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại Đồng Tháp vừa qua.

Ông Quách Tá Khang, Phó Tổng ABIC cho biết: Bảo hiểm Agribank với sứ mệnh bảo vệ nguồn vốn tín dụng nông nghiệp của Agribank, đã giúp giảm thiểu nợ xấu phát sinh do các nguyên nhân ngoài ý muốn, như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, bệnh tật.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), chỉ riêng ngành nông nghiệp đã thiệt hại gần 30.800 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng thiệt hại kinh tế từ bão số 3 (ước tính 81.000 tỷ đồng).

Ông Quách Tá Khang, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) - Ảnh: VGP/HT

Tính đến nay, Agribank đã có hơn 28.200 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi bão, với dư nợ thiệt hại lên đến hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ khách hàng tham gia bảo hiểm hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn.

Cụ thể, trong số 512 khách hàng doanh nghiệp bị thiệt hại, với dư nợ thiệt hại 6.195 tỷ đồng, chỉ có 155 khách hàng tham gia bảo hiểm, với tổng số tiền bồi thường là 120 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng 0,65% dư nợ thiệt hại của Agribank được bảo vệ thông qua bảo hiểm. Sự thiếu hụt này là một thực tế đáng lo ngại, và minh chứng rõ ràng cho sự cần thiết phải gia tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm trong khu vực nông nghiệp để bảo vệ vốn vay và tài sản của người nông dân.

Với những thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, thảm họa gây ra, vai trò của bảo hiểm càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. ABIC luôn sẵn sàng đồng hành cùng người nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc bảo vệ tài sản và nguồn lực sản xuất, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn như hiện nay.

Bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài chính cho người dân và doanh nghiệp trước thiên tai - Ảnh: VGP/HT

Trong trường hợp xảy ra thiên tai, ABIC đã triển khai ngay lập tức các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho khách hàng bị thiệt hại.

ABIC đã chủ động thực hiện chi trả tạm ứng trước khi hoàn tất hồ sơ để khách hàng có thể kịp thời sử dụng tiền bồi thường để khôi phục sản xuất, sửa chữa tài sản bị thiệt hại. Bên cạnh đó, Agribank cũng đã thành lập 15 tổ công tác đi đến các "điểm nóng", tiếp cận hiện trường, phối hợp chặt chẽ với chi nhánh Agribank tại địa phương để liên hệ với từng khách hàng đã tham gia bảo hiểm và nắm bắt thông tin về tổn thất. Chúng tôi cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương để rà soát thiệt hại và tiến hành các thủ tục bồi thường nhanh chóng, đảm bảo người dân bị ảnh hưởng có thể nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Để triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp –Agribank về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đại diện ABICH khẳng định: Sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phục vụ cho đề án với các sản phẩm đa dạng.

Cụ thể, bảo hiểm chỉ số thời tiết nhằm hỗ trợ tài chính cho bà con nông dân khi dư thừa lượng mưa tại địa điểm bảo hiểm với phương án khai thác và bồi thường số giảm thiểu thủ tục và tiết kiệm thời gian, đảm bảo nhanh chóng và thuận tiện cho bà con nông dân tham gia bảo hiểm; bảo hiểm thiệt hại cây lúa nhằm bảo vệ tối ưu mùa vụ canh tác lúa cho nông dân trước các rủi ro thiên tai như mưa lớn, lũ lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, xâm ngập mặn, hạn hán, mưa đá, sương muối, động đất... Theo đó bà con nông dân được lựa chọn các nhóm rủi ro phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính để mua bảo hiểm

Đại diện ABIC cho rằng, cần tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm, có liên kết bảo hiểm với tín dụng. Việc triển khai bảo hiểm cùng với các gói tín dụng nông nghiệp sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng và bảo vệ vốn vay của Agribank, đồng thời giúp nông dân yên tâm vay vốn và tái đầu tư sản xuất.

Ngoài ra, ABIC cũng kiến nghị các cơ quan chức năng và các đối tác liên quan có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ để nông dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm với chi phí hợp lý, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo hiểm trong việc bảo vệ tài sản và nguồn vốn sản xuất.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT cần có cơ chế đặc thù để phát triển bảo hiểm nông nghiệp tại khu vực nông thôn, nơi mà sự phân tán trong sản xuất là rất lớn. Chúng tôi cũng mong muốn có sự phối hợp tốt hơn giữa các bên liên quan, từ Nhà nước, ngân hàng đến các doanh nghiệp bảo hiểm và người sản xuất.

Đối với Agribank cần cho phép thực hiện bán gói sản phẩm tín dụng kết hợp bảo hiểm để bảo vệ tối đa nguồn vốn tín dụng và giúp nông dân có khả năng thanh toán khoản vay khi gặp rủi ro.

Phó Tổng Giám đốc Quách Tá Khang khẳng định, ABIC cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển các sản phẩm bảo hiểm phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần bảo vệ tối đa cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân.

"Chúng tôi mong muốn cùng các đối tác, cơ quan chức năng triển khai thành công các chính sách tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp, góp phần thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn", ông Quách Tá Khang nhấn mạnh.

 

Xem thêm
Mua bảo hiểm
1900 9066