Bảo hiểm nông nghiệp: Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng
Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm
Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm

Bảo hiểm nông nghiệp: Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng

Những ý kiến đóng góp tại Diễn đàn "Bảo hiểm nông nghiệp: Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng" sẽ góp một phần quan trọng trong việc đưa nền nông nghiệp nước ta vượt qua khó khăn, thách thức; đồng thời là "đòn bẩy" giúp nền nông nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào quá trình sản xuất hàng hóa.

Diễn đàn "Bảo hiểm nông nghiệp: Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 21/12/2017 tại Hội trường 1, tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.


Toàn cảnh Diễn đàn Bảo hiểm nông nghiệp: Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng

Việt Nam là nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trên 93 triệu dân trong nước, mà còn xuất khẩu sản phẩm nông sản tới 180 nước với giá trị xuất khẩu năm 2016 là 32,14 tỷ USD và năm 2017 ước đạt trên 36 tỷ USD. Đó là thành quả chung rất đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và sự vào cuộc mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.

Tuy vậy, nông nghiệp là lĩnh vực luôn có độ rủi ro thiên tai, dịch bệnh cao. Hơn nữa, nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại song song nông nghiệp cổ truyền và nông nghiệp hàng hóa. Điều đó khiến ngành nông nghiệp chưa phát huy được những thế mạnh sẵn có.

Ở góc độ khác, Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam mặc dù đã được triển khai khá đồng bộ và quyết liệt từ 2011, các cơ chế chính sách đã ban hành thực hiện khá đầy đủ, tạo điều kiện cơ sở để các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức triển khai thực hiện nhưng bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam vẫn bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế.

Chính vì vậy, ngoài những nỗ lực từ chính sách, 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà bảo hiểm và người nông dân) cần phải chung sức để ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng trở thành ngành sản xuất hàng hóa đem lại giá trị gia tăng cao.



Tham dự Diễn đàn có: Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI; Ông Ngô Việt Trung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; Ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới quốc gia; Bà Hoàng Thị Tính - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC); Ông Đặng Kim Khôi – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp; Ông Nguyễn Đức Ngọc – Phó trưởng Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN và PTNT; Ông Lê Xuân Luyện – Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ NN và PTNT; Ông Hoàng Xuân Điều - Phó Giám đốc Ban Giám định bồi thường Xe cơ giới, Tổng Công ty Bảo Hiểm Bảo Việt; Luật sư Thái Văn Cách - Chuyên gia bảo hiểm; Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi; Ông Ngô Tiến Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng cong nghệ cao vào nông nghiệp; Ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội hóa chất nông nghiệp Hà Nội; Ông Cù Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Tiếp thị thông tin tuyên truyền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank); Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Bà Trịnh Tuyết Nga - Trưởng ban phi nhân thọ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; cùng hơn 200 khách mời là đại diện các ban, ngành trung ương và địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng các cơ quan thông tấn báo chí.


Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới (bao gồm trên 250 sản phẩm bảo hiểm tài sản, gần 200 sản phẩm bảo hiểm con người và xấp xỉ 100 sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm).

Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Vì vậy, người nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là hi vọng chuẩn xác nhất” – ông nói – “Đặc biệt, Bảo hiểm nông nghiệp được coi là tấm khiên vững chắc, đưa ngành nông nghiệp ngày càng tiệm cận hơn với sản xuất hàng hóa mà điều đó phải bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp và sự thay đổi tư duy từ người nông dân”.


Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, dù Chính phủ cũng như ngành nông nghiệp liên tục có chính sách “trải thảm” để mời gọi các doanh nghiệp tăng đầu tư, nhưng đến nay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này vẫn quá khiêm tốn. Một trong những lý do hàng đầu là đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, và đa phần có quy mô vốn nhỏ, số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 55%.

Ngoài ra, rất ít doanh nghiệp đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp dựa vào việc khai thác nguồn lực tự nhiên như đất đai, nước, chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng. Trong khi đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp, chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.

Chính vì vậy, năng suất lao động của nông dân Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, nông dân khó làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình. Mặc dù ngành nông nghiệp có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển, nhưng đến nay mới chỉ có một số ngành hàng có quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi như sữa, trứng gia cầm, cá, thủy sản. Còn lại sản xuất vẫn cơ bản manh mún, thực phẩm thiếu an toàn khiến người dân bất an. Chính sách dành cho ngành nông nghiệp nhiều nhưng không thiết thực. Hơn nữa, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương chưa tốt.

Để nông nghiệp thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, theo ông Phòng, ngoài công việc của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành cần lựa chọn ngành hàng chủ lực thì tôi cho rằng Việt Nam cần thành lập những vùng nông sản tập trung, chọn ngành hàng ưu tiên từ lợi thế của vùng để cạnh tranh với thế giới, tạo ra những thương hiệu nông sản có tính chất vùng miền và từ đó áp dụng bảo hiểm nông nghiệp một cách linh hoạt để cho những vùng chuyên canh này phát huy hiệu quả.


Ông Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, Diễn đàn bao gồm hai phiên gồm: Phần 1: Nhận diện thách thức; Phần 2: Đưa chính sách bảo hiểm nông nghiệp vào thực tiễn dưới sự điều phối của LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

Thông qua Diễn đàn Bảo hiểm nông nghiệp: Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ tìm ra hướng mới để phát triển bảo hiểm nông nghiệp không chỉ cho các nhà đầu tư, các nhà bảo hiểm và bản thân những người làm chính sách.

NHẬN DIỆN THÁCH THỨC


Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; Ông Ngô Việt Trung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam cho biết, bảo hiểm nông nghiệp là yếu tố quan trong thúc đấy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.

Về ý nghĩa của bảo hiểm nông nghiệp, theo ông Tăng Minh Lộc sẽ giúp tất cả nông dân tham gia bảo hiểm đều phải theo quy trình sản xuất tiên tiến, giúp sản xuấ an toàn, năng suất tăng, chất lượng tăng, giá thành giảm, từ đó giúp tăng thu nhập. Vì có bảo hiểm nên người nông dân tự tin sản xuất theo chỉ đạ, mở rộng quy mô sản xuất nên tăng ứng dụng tiến bộ ỹ thuật, mở rộng quy mô từ đó sẽ có nhiều sản phẩm hàng hóa hơn. Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho người dân, khi gặp thiên tai sẽ đc cơ quan bảo hiểm xét để bồi hoàn, có cơ hội tái sản xuất, phát triển bền vững.


Ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam

"Từ ý nghĩa đó, bảo hiểm nông nghiệp là cách tốt nhất đưa nông dân đến sản xuất hàng hóa, là giải pháp quan trọng để nhà nước thúc đẩy đổi mới cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa". - ông Lộc khẳng định.

Ông Lộc thông tin, bảo hiểm nông nghiệp có hai đặc điểm: Thứ nhất, muốn làm nông nghiệp cần thay đổi tập quán sản xuất (cũ, lạc hậu) của nông dân (số đông). Đây là việc khó, lâu dài nên cách làm phải từ người nông dân đã và đang có nhu cầu sản xuất hàng hóa, là tấm gương lôi kéo số khác. Thứ hai, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, thiên tai như xâm nhập mặn, lở đất… tham gia chương trình là các công ty bảo hiểm nên sẽ gặp nhiều rủi ro bất khả kháng. Vì vậy, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ (như “vai” tái Bảo hiểm)

Cũng theo ông Lộc, nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro và ngày càng rủi ro, liên quan đến nhiều sản phẩm, đến nhiều hộ nông dân nên khi đã có quy trình sản xuất, biểu phí nhưng không có giám sát sẽ rất khó thực hiện. Cần giáo dục ý thức của ng dân. Cần sự vào cuộc của hệ thống chinh quyền, hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền với DN. Bảo hiểm nông nghiệp chưa chất lượng nên nhiều sự cố chưa được khắc phục. DN tham gia cần thường xuyên nghiên cứu để có biện pháp kịp thời. Các cơ quan nhà nc cần sâu sát lắng nghe thực tiễn, điều khiển kịp thời.

Những năm 90 thế kỷ trước Bảo Việt đã hợp tác với một số công ty Pháp làm bảo hiểm bò ở Nghệ An nhưng đã thất bại. Giai đoạn 2011 – 2013, Chính phủ cho thí điểm BHNN (Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011). Bộ Tài chính chủ với 20 tỉnh tham gia, 9 sản phẩm. Tới tháng 08/2014: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng kết thí điểm. Tháng 09/2014: Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh về tiếp tục triển khai BHNN (Thông báo số 6828/VPCP-KHTH). Tháng 01/2015 VPCP có thông báo số 496/VPCP-KHTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chỉ đạo tiếp tục thí điểm BHNN và bổ sung bảo hiểm vật nuôi cho Hà Giang. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời điểm 09/2014, việc thực hiện dường như nằm im.


Tổng kết về các làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg, thí điểm tại 20 tỉnh, trên 9 đối tượng: Lúa, trâu, bò, lợn, gà, vịt, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá Tra cho thấy, Bộ NN&PTNT giữ vai trò chọn địa điểm, đối tượng cây trồng, vật nuôi tham gia thí điểm; xây dựng quy trình sản xuất các cây, con thí điểm; Xác định các loại thiên tai và quy trình công bố thiên tai; Xác định quy trình công bố dịch;Phương pháp xác định các thiệt hại.

Bộ Tài chính xây dựng quy trình bảo hiểm, quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm với từng cây, con; các chính sách với nông dân tham gia bảo hiểm và các Doanh nghiệp bảo hiểm, Doanh nghiệp tái bảo hiểm,…

UBND các tỉnh (thành lập Ban Chỉ đạo) để ban hành cụ thể quy trình sản xuất từng cây con cho phù hợp thực tế (từ “khung” của Bộ Nông nghiệp và PTNT); tổ chức tập huấn cho nông dân tham gia Bảo hiểm; tập huấn, xây dựng phương án xác định thiệt hại thiên tai, dịch bệnh…

Khi đó, Tổng công ty Bảo Việt, Bảo Minh, công ty tái bảo hiểm có trách nhiệm tập huấn cho cán bộ, nhân viên, đại lý; triển khai thực hiện đến hộ tại các địa phương.



Sau 3 năm làm thí điểm, đại đa số hộ chăn nuôi, làm lúa đã phấn khởi, tin tưởng. Nhiều tỉnh muốn mở rộng. Bên cạnh đó, cách xác định mức phí, phương pháp bồi thường với lúa, chăn nuôi, thực tế kiểm nghiệm là phù hợp và đi đúng hướng.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao, bảo hiểm thủy sản bị trục lợi nặng; thực hiện tái bảo hiểm còn lúng túng;

Nguyên nhân được chỉ ra đó là: Chọn đối tượng chủ yếu tham gia thí điểm bảo hiểm chưa phù hợp; Bộ máy thực thi thiếu kinh nghiệm (nhất là cán bộ, nhân viên các đơn vị bảo hiểm) bởi thiếu người có hiểu biết sâu, giám sát chặt chẽ với hoạt động sản xuấ của người nôn dân. Thiếu sự phối hợp giữa các công ty bảo hiểm với chính quyền địa phương nên dẫn đến tình trạng giám sát kém, thông báo dịch, thiên tai chậm nên có “đất” cho hộ tham gia trục lợi (thủy sản).

Trong khi đó, mới có sự tham gia của 2 Tổng Công ty bảo hiểm (Bảo Việt, Bảo Minh) và Tổng Công ty tái bảo hiểm, thiếu sự tham gia của các công ty lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có liên kết với nông dân cho nên chưa bộc lộ hết thuận lợi, khó khăn của BHNN. Dẫn đến hạn chế ý nghĩa thí điểm.

Từ thực tế trên, ông Lộc đề xuất cần tiếp tục mở rộng bảo hiểm với lúa, chăn nuôi (đã thành công). Bên cạnh đó, tiếp tục thí điểm với sản phẩm khác: Tập trung lựa chọn trước nhóm sản phẩm chủ lực (trong đó có tôm, cá Basa); Ngoài Bảo Việt, Bảo Minh cần có thêm các cơ quan bảo hiểm thí điểm cho một số doanh nghiệp khác.

Về đối tượng mua bảo hiểm, theo ông Lộc nên hướng tập trung vào hộ, trang trại, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa (có khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo tham gia).

Về phía Nhà nước, ông Lộc cho rằng cần hoàn chỉnh thêm chính sách hỗ trợ BHNN: Đối với đối tượng mua BHNN cần hỗ trợ một phần tiền Bảo hiểm (chủ yếu với đối tượng nghèo, hộ thường, chủ trang trại mua lần đầu); Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm (tái bảo hiểm một phần) khi gặp rủi ro bất khả kháng do dịch bệnh, thiên tai. Đồng thời Quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong BHNN.


Bà Hoàng Thị Tính - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC)

Bà Hoàng Thị Tính - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết, ABIC là một doanh nghiệp bảo hiểm gắn bó với nông nghiệp, với bà con nông dân trong 10 năm qua, nhận thấy đây là một lĩnh vực tiềm năng nhưng rất khó triển khai và rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bà Tính dẫn chứng, thực tế đã cho thấy, năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thí điểm Bảo hiểm Nông nghiệp theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg và đạt được một số kết quả bước đầu như: Vận động được 304.017 hộ nông dân mua bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản, cây lúa và vật nuôi (trâu, bò, lơn, gà) với doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng, giải quyết bồi thường 712,9 tỷ đồng cho người mua bảo hiểm (chủ yếu là bồi thường thủy sản 306% doanh thu).

Tuy nhiên sau 3 năm triển khai thí điểm, mô hình triển khai thí điểm khó nhân rộng ra toàn quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm thủy hải sản, bảo hiểm vật nuôi vì nhiều nguyên nhân bao gồm:

Mức độ tổn thất hàng năm trong lĩnh vực sản xuất Nông nghiệp rất cao (ước tính 1,5%-2% GDP) đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm phải có mức vốn lớn và có rất đông người tham gia bảo hiểm để đảm bảo không bị lỗ trong kinh doanh.

Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia về quy mô và mức độ tổn thất lại không đầy đủ và chi tiết nên không có cơ sở định phí rủi ro phù hợp. Mô hình sản xuất nông nghiệp trong khu vực Nông thôn phổ biến là qui mô nhỏ, manh mún, cách thức nuôi trồng không bài bản và không theo quy trình chuẩn, thiếu các giải pháp phòng vệ và quản lý rủi ro khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra.

Các doanh nghiệp bảo hiểm và nhà tái bảo hiểm chưa có nhiều kinh nghiệm về bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam đặc biệt là khâu đánh giá rủi ro định phí bảo hiểm và giám định tổn thất... Thiếu cơ chế khuyến khích tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp của khối ngân hàng, trong khi đây là chủ thể thực hiện các chương trình, chính sách lớn của Chính phủ trong phát triển nông nghiệp nông thôn.


Bà Tính cũng đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành ban hành khung chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm mục đích huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp:

Một là, về điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm nông nghiệp: không giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia; không tạo ra các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế doanh nghiệp bảo hiểm tham gia; không giới hạn điều kiện phải có chi nhánh tại các tỉnh dự kiến làm bảo hiểm nông nghiệp vì trên thực tế nhiều doanh nghiệp có cán bộ, đại lý viên đủ năng lực và kiểm soát tốt và tiếp cận tốt bà con nông dân làm còn hiệu quả hơn.

Hai là, ngoài việc hỗ trợ cho người mua bảo hiểm nông nghiệp về phí bảo hiểm, cần xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp bảo hiểm như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm trích lập quỹ dự phòng cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi kết quả kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp bị lỗ.

Ba là, chỉ đạo các địa phương: Cung cấp cho các doanh nghiệp bảo hiểm các cơ sở dữ liệu về tổn thất để các nhà Tái bảo hiểm quốc tế có đủ cơ sở cung cấp vốn, quy tắc điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm phù hợp; ban hành các quy trình kỹ thuật nuôi trồng phù hợp đặc thù của từng địa phương. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý tại Trung ương và địa phương với doanh nghiệp bảo hiểm và các hộ nông dân/tổ chức nông nghiệp.

Bốn là, các cơ quan quản lý nhà nước giám sát quá trình hợp tác, thực hiện chương trình bảo hiểm nông nghiệp của các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật; tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, phi kỹ thuật. 

Ông Hoàng Xuân Điều - Phó Giám đốc Ban Giám định bồi thường Xe cơ giới, Tổng Công ty Bảo Hiểm Bảo Việt cho biết, theo Quyết định Chính phủ thì thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thực hiện trên 20 tỉnh và do CTy Bảo Việt và Bảo Minh thực hiện với 3 sản phẩm chính là Vật nuôi, Cây lúa và Thuỷ sản. Mức hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách tương ứng 100% vốn cho hộ nông dân nghèo, 90% hộ nông dân cận nghèo, 60% hộ nông dân thông thường, 20% tổ chức sản xuất nông nghiệp.


Ông Hoàng Xuân Điều - Phó Giám đốc Ban Giám định bồi thường Xe cơ giới, Tổng Công ty Bảo Hiểm Bảo Việt

Trong quá trình thực hiện, ông Điều cho biết những thuận lợi khi thực hiện đó là: đây là chủ trương lớn của Nhà nước, có sự hỗ trợ về phí bảo hiểm, sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và đây là một giải pháp cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra còn có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương nơi triển khai thí điểm, có sự quyết tâm của các doanh nghiệp bảo hiểm (Baoviet, Baominh, Vinare, Swiss Re), Có sự quan tâm của các kênh thông tin, tuyên truyền…

Còn về khó khăn, theo ông Điều lớn nhất là có nhiều rủi ro và khác nhau giữa các vùng, khó kiểm soát; quá trình triển khai còn thiếu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tâm lý của người dân chưa biết về bảo hiểm nông nghiệp, còn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, muốn mua bảo hiểm thì phải được bồi thường…

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cũng đã có những kết quả nhất định: Đã xây dựng bộ sản phẩm BHNN gồm BH cây lúa, vật nuôi, tôm cá; triển khai trên 20 tỉnh thành, thu được một số kết quả; Bước đầu tuyên truyền cho người dân hiểu và tham gia bảo hiểm nông nghiệp; được bồi thường khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; sau khi thí điểm kết thúc, cả 20 tỉnh đều đề xuất tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp; Các bên đều thu được kinh nghiệm quý báu khi triển khai thí điểm; có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung Ương đến doanh nghiệp bảo hiểm/TBH, các cấp các ngành và chính người dân.

Ông Điều cũng cho biết một số tồn tại khi thực hiện thí điểm. Bộ sản phẩm còn chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người nông dân ở một số địa bàn; tại một số nơi, người dân chưa mặn mà và chưa quan tâm đến bảo hiểm nông nghiệp, thời gian thí điểm ngắn, có nhiều thay đổi chưa kịp đi vào cuộc sống; Quá trình khai thác bảo hiểm, giám định tổn thất, quản lý rủi ro…còn yếu; Hệ thống thu thập số liệu, thống kê…chưa hoàn thiện; Chương trình bị gián đoạn gây khó khăn cho các bên triển khai, nhu cầu bảo hiểm nông nghiệp của người dân chưa được đáp ứng kịp thời.



Từ những thực tế triển khai, ông Hoàng Xuân Điều đã đưa ra đề xuất, kiến nghị. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình bảo hiểm nông nghiệp để người dân được hưởng lợi ích từ chính sách này.

Thứ hai, giai đoạn tới, doanh nghiệp bảo hiểm có thể chủ động hơn trong việc thiết kế sản phẩm, lựa chọn địa bàn, khai thác giám định…

Thứ ba, tiếp tục duy trì hỗ trợ phí bảo hiểm từ Nhà nước; tiếp tục có sự chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT.

Thứ tư, các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động tìm hiểu và hoàn thiện quy trình khai thác, bán sản phẩm; quy trình quản lý rủi ro, giám định tổn thất, giải quyết bồi thường…chặt chẽ.

Thứ năm, tăng tính hấp dẫn của chương trình bảo hiểm nông nghiệp để thu hút được nhiều người dân tham gia và được hưởng lợi ích của bảo hiểm.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến doanh nghiệp, các cấp các ngành và chính người dân

Thứ bảy, về phía Nhà nước cần sớm hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp thành 1 bộ phận trong chính sách tổng thể về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thứ tám, Bộ Tài chính cần hỗ trợ về mặt quản lý chung, hướng dẫn thu phí BH từ ngân sách Nhà nước. Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ về kĩ thuật nông nghiệp, hỗ trợ hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro, giám định tổn thất…

ĐƯA CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP VÀO THỰC TẾ 

Nhìn lại quá trình phát triển bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam, TS Đặng Kim Khôi - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho biết, Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp Quốc gia 2011 – 2013 (NAIPP) theo Quyết định số 315 của Chính phủ là một công cụ hiệu quả trong hỗ trợ tài chính và sản xuất hộ nông dân, giúp họ có một cuộc sống tốt hơn. Đồng thời, tạo ra cơ chế hoạt động từ trung ương tới địa phương, và liên tục cải tiến phương thức hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tế.


TS Đặng Kim Khôi - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD)

Tuy nhiên, ông Khôi cũng chỉ rõ một số thách thức, rào cản chính cần phải vượt qua để phát triển BHNN tại Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: (1) Đa dạng hóa các gói bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu cho từng nhóm nông dân, phù hợp với điều kiện sản xuất và điều kiện tự nhiên vùng; (2) Thúc đẩy thị trường thông qua hỗ trợ từ nhà nước; (3) Cải thiện hệ thống chính sách, hình thành khung thể chế và pháp lý cho hệ thông BHNN (hình thành luật); (4) Sự giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện và đưa ra quyết định thay đổi nhanh chóng để cải thiện sản phẩm bảo hiểm; (5) Thiết lập quy trình quản lý thích hợp để giám sát và tối ưu hóa đầu tư công và đầu tư tư nhân của công ty bảo hiểm…

Cũng theo ông Khôi, bảo hiểm nông nghiệp là một giải pháp tài chính hiệu quả, hỗ trợ sản xuất cho nông dân và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội đối với người dân nông thôn. Sau hơn ba năm thí điểm, NAIPP đã góp phần hoàn thiện chính sách và cơ chế hoạt động từ trung ương đến địa phương đối với triển khai sản phẩm BHNN và hệ thống đã liên tục được cải thiện.

Các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đã có sự nỗ lực mạnh mẽ và hỗ trợ thích hợp trong quá trình thực thi chương trình. Chương trình đã thúc đẩy sự hiểu biết về bảo hiểm nhà nước đối với các tổ chức chính quyền, công ty bảo hiểm và người dân thông qua xây dựng hệ thống vận hành và các kênh thông tin, tuyên truyền.

Tuy nhiên, mục tiêu của NAIPP tương đối rộng và chưa cụ thể, thời gian triển khai ngắn, trên phạm vi rộng lớn gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho bộ máy vận hành trong quá trình thực hiện và đánh giá kết quả của Chương trình, dẫn tới mức độ hoàn thành mục tiêu chung của Quyết định 315 chưa thực sự rõ ràng do chưa đủ cơ sở để đánh giá được tác động của nó đến an sinh xã hội của người dân.


Ông cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm đặt ra đối với Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn tiếp theo bao gồm:

Thứ nhất, Chính phủ cần xem bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm được vận hành theo cơ chế thị trường, trong đó, Chính phủ hỗ trợ để tạo thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của thị trường (thiết lập khung pháp lý phù hợp, hỗ trợ chiến dịch truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp dữ liệu và vv).

Chính phủ cần tiếp tục cải thiện hệ thống chính sách cho hệ thống bảo hiểm nông nghiệp tiến tới hình thành luật bảo hiểm nông nghiệp. Cùng với đó là sự giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện và đưa ra quyết định, thay đổi nhanh chóng để cải thiện sản phẩm bảo hiểm thông qua thiết lập hệ thống thông tin phản hồi hiệu quả, bằng việc xây dựng hệ thống thông tin bảo hiểm nông nghiệp và thiết lập quy trình quản lý thích hợp để giám sát và tối ưu hóa đầu tư công và đầu tư tư nhân của doanh nghiệp bảo hiểm; và thiết lập chế tài giám sát chặt chẽ các thủ tục, các quy trình sản xuất, đánh giá thiệt hại và thanh toán bồi thường để hoạt động này diễn ra minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm với mức độ phù hợp, kinh phí đào tạo/tập huấn và hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm thúc đẩy thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Chính phủ nên tiếp tục trợ cấp cho những hộ nghèo, cận nghèo và không nghèo, nhưng với mức trợ cấp phí bảo hiểm thấp hơn. Ngoài hỗ trợ trên, Chính phủ nên cung cấp mức trợ giá ưu đãi cho nông dân có hợp đồng với các doanh nghiệp để tạo ra các khu sản xuất quy mô lớn và cải tiến chuỗi giá trị.

Thứ ba, Chính phủ cũng cần xem xét xây dựng hệ thống tái bảo hiểm thích hợp để thu hút doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thị trường, thông qua việc xem xét giảm đầu tư trực tiếp cho nông dân bằng cách giảm tỷ lệ hỗ trợ phí về mức thích hợp nhằm thúc đẩy nhu cầu tự nguyện và nâng cao năng lực quản lý rủi ro ở cấp hộ để giảm rủi ro doanh nghiệp.


Ông Nguyễn Đức Ngọc – Phó trưởng Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Ngọc - Phó trưởng Ban Kinh tế - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, với nông dân, khi triển khai đại trà có 4 khó khăn: Thứ nhất, Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ khi 70-80% số hộ có diện tích dưới 0,5 ha. Thứ hai, thị trường nông sản bấp bênh. Thứ ba, rủi ro thiên tai lớn khi 1 năm Việt Nam hứng chịu từ 10-15 cơn bão, lũ quét, sạt lở,…Thứ tư, tổ chức đại diện cho hộ nông dân như Hợp tác xã hoạt động còn kém, nhận thức người nông dân chưa cao.


Ông Lê Xuân Luyện – Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT cho rằng qua các ý kiến tại Diễn đàn, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp còn đang rất nhỏ bé. Tổng thí điểm thu hơn chỉ hơn 300 tỷ đồng mà chi hơn 700 tỷ đồng. “Tôi cho rằng cần thiết có cơ sở hành lang pháp lý để thu hút cả người tham gia và người bán bảo hiểm” – ông Luyện nói.


Ông Lê Xuân Luyện – Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT

Do đó, ông đề nghị: Thứ nhất, riêng đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ thì không chỉ người nghèo và hộ người nghèo mà nên nghiên cứu sản phẩm chủ lực.

Thứ hai, để doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh có hiệu quả thì cần có người mua. Nếu không có chính sách thì người dân sẽ không mặn mà. Hiện nay chính sách tuyên truyền là đương nhiên, nhưng cũng cần có những điều khoản cụ thể. Ví dụ, nếu người dân, doanh nghiệp tham gia vào bảo hiểm nông nghiệp thì chính là một phần để người dân được vay vốn.


Thứ ba, vấn đề xác định rủi ro trong nông nghiệp là vấn đề rất khó, do đó đã có sự trục lợi bảo hiểm. Để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm nông nghiệp  thì trong hợp đồng cty bảo hiểm và người bảo hiểm phải có định mức kinh tế kỹ thuật của người mua sản phẩm. Định mức này sẽ do Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra từng loại con, loại cây phù hợp.

Tại Diễn đàn, Luật sư Thái Văn Cách – Chuyên gia bảo hiểm đã chia sẻ về những kết quả từ thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Theo vị luật sư này, cần tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp hỗ trợ cho mục tiêu sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp nông thôn.

 
Luật sư Thái Văn Cách – Chuyên gia bảo hiểm

Bởi theo ông, rủi ro trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nông thôn là rất lớn bao gồm những rủi ro liên quan đến thời tiết không được dự đoán và không thể dự đoán và tác động của nó đến vật nuôi cây trồng. Như vậy, để đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghệp nông thôn theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, cần có các chính sách thiết thực và hiệu quả để hỗ trợ đồng bộ.

Ông cũng cho biết, nếu tiếp tục chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo kiểu hỗ trợ toàn bộ và phần lớn phí bảo hiểm nông nghiệp nhất là đối với cây lúa như thời gian qua kết quả thu được khá hạn chế và không khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa. Vì vậy cần xác đinh lại mục tiêu hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp bước đầu cho sản xuất nông sản hàng hóa.


Luật sư Thái Văn Cách đề xuất cụ thể, đối với cây lúa để mạnh dạn thay đổi chính sách: Không tiếp tục hỗ trợ toàn bộ phí bảo hiểm cho những hộ không đủ khả năng sản xuất lúa hàng hóa do diện tích đất được giao ít, dù hộ đó là hộ nghèo, cận nghèo hay hộ thường.

Những hộ nghèo, cận nghèo muốn mua bảo hiểm sẽ chỉ được hỗ trợ phí như những hộ thường có sản xuất nông sản hàng hóa khác và Nhà nước không hỗ trợ nông dân khi tổn thất xảy ra mà rủi ro đã nằm trong các quy định bảo hiểm nông nghiệp.

Các doanh nghiệp bảo hiểm tính toán lại mức phí bảo hiểm giành cho các Hộ sản xuất lủa hàng hóa, các nông trang trại chăn nuôi tập trung, đưa tỷ lệ phí phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người mua bảo hiểm, không làm cho chi phí sản xuất tăng cao làm giảm lợi nhuận của người sản xuất vào những năm không có thiên tai và dịch bệnh .

Bên cạnh đó, Nhà nước coi việc hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho các hộ sản xuất lúa hàng hóa trên trên cơ sở định lượng số ha sản xuất lúa, năng suất lúa/ha, là một phần trong chính sách bảo hộ sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu, hộ sản xuất lúa được tính phí bảo hiểm vào giá thành khi nhà nước thu mua lúa để xuất khẩu hay dự trữ quốc gia .Với tỷ lệ phí thấp lại được hỗ trợ một phần, sẽ thu hút các hộ sản xuất lúa hàng hóa mua bảo hiểm

Ngoài ra, thay đổi thủ tục mua bảo hiểm, chủ hợp đồng bảo hiểm phải là chủ hộ gia đình, công ty bảo hiểm khi bồi thường tổn thất phải trả tiền trực tioếp cho chủ hộ gia đình mua bảo hiểm , không thông qua trung gian. Nhà nước chỉ định cơ quan có thẩm quyền về thống kê sản lượng ,giá lúa tại mỗi địa phương, có thể là cấp Huyện, công bố thông tin sau mỗi mùa vụ làm cơ sở để từng hộ có thể mua bảo hiểm.

Về lâu dài, theo luật sư, bên cạnh các hình thức doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp phép hiên tại, Nhà nước tổ chức vận động, cử chuyên gia, hỗ trợ kinh phí ban đầu, hỗ trợ vốn hay với tư cách là thành viên sáng lập để thành lập các Công ty bảo hiểm tương hỗ như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới để tiến hành bảo hiểm nông nghiệp nhất là cây lúa.

Ông Ngô Việt Trung – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, theo số liệu của Tổng cục thống kê, ngành nông nghiệp, bao gồm lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng trên 16% trong tổng GDP cả nước; tổng diện tích đất nông nghiệp là 27.302 nghìn ha, chiếm 82,4% tổng diện tích đất của cả nước.…

Tuy nhiên, với đặc thù sản xuất và đặc điểm khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sản xuất nông nghiệp Việt Nam bị tác động mạnh và chịu nhiều thiệt hại lớn do thiên tai, dịch bệnh gây ra.


Ông Ngô Việt Trung – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm

Chính vì vậy, BHNN có 4 tác dụng lớn: Thứ nhất, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần ổn định đời sống, tạo điều kiện nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Thứ hai, BHNN còn giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sản xuất hàng hóa lớn, tăng cường năng lực của tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp tăng cường nhận thức và năng lực quản trị rủi ro kể từ trước.

Thứ ba, BHNN là giải pháp bổ sung, bên cạnh các giải pháp tài chính hiện nay của Chính phủ nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, góp phần giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách nhà nước...

Thứ tư, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Nhà nước

Về định hướng chính sách BHNN trong thời gian tới, theo ông Trung trước hết cần tới sự ban hành Nghị định về BHNN để tạo cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai, phát huy được các kết quả tích cực và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian thí điểm,…Tiếp đó cần đề xuất chính sách theo dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.

Ông Trung thông tin, tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp với 02 chính sách về thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Trong đó có nêu rõ, thứ nhất, BHNN được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn. Thứ hai, Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ. Đồng thời, dự thảo Nghị định xây dựng các quy định cụ thể về kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng chống gian lận bảo hiểm nhằm đảm bảo hai chính sách nêu trên được triển khai thực hiện lành mạnh, bền vững và hiệu quả.

Ở cách tiếp cận khác, Quyết định số 315/QĐ-TTg  điểm danh đối tượng bảo hiểm cụ thể cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Nhưng chúng tôi tiếp cận hướng khác, đưa ra khung với mỗi loại cây trồng, vật nuôi sẽ đưa ra các mặt hàng chiến lược nhà nước tập trung đầu tư, còn hỗ trợ như thế nào thì sẽ căn cứ vào giai đoạn trung hạn, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, khả năng ngân sách giai đoạn đó thì Bộ Tài chính và BỘ Nông nghiệp sẽ tư vấn cho Chính phủ đối tượng và mức phí hỗ trợ phù hợp.

Năm nay Ban tổ chức trình Chính phủ Dự thảo nghị định này và hiện Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến 27 thành viên Chính phủ và đang tổng hợp ý kiến để trình Chính phủ ban hành.

Về vấn đề thiếu sự liên kết giữa các DN làm bảo hiểm, trong dự thảo Bộ Tài chính có khắc phục điều này. Trong đó nêu rõ, với sản phẩm tự nguyện, DN có thể tự do, kiểm soát rủi ro. Với chính sách hỗ trợ, chúng tôi đề xuất triển khai đồng bảo hiểm để đảm bảo cùng mặt bằng có sự hỗ trợ, không tạo ra cơ chế cạnh tranh không lành mạnh. Và để phục vụ tốt hơn bà con ở địa phương cần có nhóm hỗ trợ bảo hiểm tại địa phương.

Ông Trung cho rằng ý kiến về thiếu cơ chế liên kết với ngân hàng mà các đại biểu đưa ra tại Diễn đàn là hoàn toàn đúng. Một số nước trong khu vực như Campuchia không hẳn tách BHNN riêng mà BHNN nằm trong một gói chính sách liên kết cả ngân hàng bảo hiểm và chính sách khác. Khi ngân hàng có những gói chính sách ưu đãi cho nông dân có bảo hiểm sẽ yên tâm cho vay hơn. Bà con khi không may xảy ra tổn thất thì đã có bảo hiểm lo.

"Về cơ chế cho DN, chúng tôi hoàn toàn nhất trí, hỗ trợ DN có thể bằng nhiều cách bằng cơ chế, cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi nhưng tùy từng thời điểm. Chúng tôi tiếp thu để trình các cấp lãnh đạo.

Hi vọng sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp sẽ triển khai chương trình từng bước và có trọng điểm" - ông Trung nói.

Ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội hóa chất nông nghiệp Hà Nội cho biết, ông rất nhiều lần đề cập đến tính cấp thiết của bảo hiểm nông nghiệp bởi khi có vấn đề gì xảy ra thì doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn.


Ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội hóa chất nông nghiệp Hà Nội

Tuy nhiên, ở khía cạnh Hiệp hội, đại diện cho DN ông Thắng kiến nghị: Đối tượng sản xuất đề nghị tập trung trực tiếp vào cây trồng vật nuôi có giá trị; tập trung vào việc sản xuất hướng tới xuất khẩu theo tiêu chuẩn các nước trên thế giới; tập trung vào việc sản xuất theo các vùng tập trung: vải thiều Lục Ngạn...

Thay vì chính sách hỗ trợ cho người nghèo vì bản thân các doanh nghiệp đã hỗ trợ quá nhiều, ông Thắng đề nghị hỗ trợ liên kết sản xuất, mà liên kết thì rất cần có bảo hiểm. Đây là việc hết sức quan trọng. Cùng với đó là hỗ trợ vào vùng có sản xuất cây trồng vật nuôi có xuất khẩu: Không cần hỗ trợ 100%, chỉ cần hỗ trợ 1 phần nào đó.

Qua đây, ông Thắng cũng kiến nghị: Thứ nhất, Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo tạo hành lang pháp lý, vốn hỗ trợ các đơn vị làm bảo hiểm, DN. Thứ hai, Phải hoạt động theo nguyên lý thị trường bởi nhu cầu hiện nay rất nhiều, bản thân nông dân cũng có nhu cầu, có cung thì sẽ có cầu. Thứ ba, tối giản các thủ tục. Khi tham gia vào tôi thấy có quá nhiều thủ tục, rườm rà, mất thời gian. Mỗi địa phương có một tập quán sản xuất riêng, nếu áp dụng theo khuôn khổ chung thì rất khó.

Bà Lê Thị Thanh A – Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực công TCty Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam cho rằng các vấn đề đưa ra tại Diễn đàn là đầy đủ và nhiều thông tin, tuy nhiên vẫn mang tính dàn trải.


Bà Lê Thị Thanh A – Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực công TCty Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam

Bà Thanh A cho rằng có hai vấn đề cần tập trung: Thứ nhất, nên có hướng sản phẩm rõ ràng cho doanh nghiệp, đối tượng sản phẩm cụ thể cho người nông dân. Thứ hai, các bên có lien quan cần ngồi lại với nhau để liên kết lại đưa ra hướng phát triển sản phẩm cho người nông dâ và doanh nghiệp bảo hiểm. Việc nào dễ thì ưu tiên làm trước, khó thì làm sau.

Trả lời vấn đề của ông Đàm Quang Thắng, ông Ngô Việt Trung – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, đề xuất của ông Thắng về sản xuất tập trung, Dự thảo nghị định của chúng tôi có nêu rõ, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có bàn với Bộ NN&PTNT để đưa ra danh mục cây trồng vật nuôi cụ thể. Đối tượng hỗ trợ, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình hợp tác, quy mô lớn, áp dụng quy trình sx tập trung, tiên tiến, …

Về ý kiến không nên hỗ trợ hộ nghèo: Chính sách của Đảng và nhà nước có những chính sách đan xen anh sinh xã hội và hỗ trợ sản xuất nên chúng tôi cố gắng tách 2 yếu tố đó và tập trung hỗ trợ sản xuất.

Về quy định quyền lợi nghĩa vụ bên mua BH: Luật kinh doanh bảo hiểm và văn bản hướng dẫn đã có những hướng dẫn chi tiết, trong dự thảo chúng tôi không nhắc lại tất cả mà nhấn mạnh nội dung phải nêu rõ trong hợp đồng. Đồng thời phải có chính sách kiểm soát rủi ro.

Về căn cứ xác định bồi thường nghị định cũng linh hoạt hơn. Với dịcch bệnh liên quan cần có công bố rõ thông tin, doanh nghiệp bảo hiểm và bà con cần cùng xác định, thống nhất với nhau để xác định rủi ro để tiến hành bồi thường. Lần đầu tiên nghị định đưa bảo hiểm chỉ số cũng là căn cứ để xác định.

Về thủ tục, ông Thắng có nêu cần đơn giản hơn, Nghị định có nêu 1 số thủ tục nhưng chủ yếu là 2 thủ tục xác định đối tượng được hỗ trợ của nhà nước và thủ tục xem xét giải quyết bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm.

Liên quan đến vấn đề bà Thanh An nêu ra, ông Trung cho biết, về vấn đề định hướng sản phẩm cho doanh nghiệp bảo hiểm, ở đây có hai chính sách rõ ràng, chúng ta không can thiệp vào chính sách bảo hiểm của doanh nghiệp. Nhưng với sản phẩm thuộc chương trình của Nhà nước thì các bộ phải ngồi lại với nhau để đưa ra gói sản phẩm cụ thể với đối tượng nào, định mức ra sao. Còn việc liên kết được các bên ngân hàng, bảo hiểm, người nông dân thì quá tốt.


Ban tổ chức chụp hình lưu niệm cùng các vị diễn giả.

Link trích dẫn: tại đây
Nhóm PV

Xem thêm