Ngày 02/06/2023, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm” nhằm lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp về những vấn đề cần lưu ý, những bài học cần rút ra sau những vụ việc vừa qua trên thị trường bảo hiểm nhân thọ; đồng thời thảo luận về các giải pháp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Khách mời tham dự có Bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Ông Đỗ Minh Hoàng, Quyền Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank).

Các vị khách mời đã tham gia thảo luận về những vấn đề giúp người dân hiểu đúng về vai trò của bảo hiểm, từng loại hình bảo hiểm cũng như đưa ra một số giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng đặc thù, vì vậy phải chuẩn bị tâm thế, hiểu biết, trình độ đặc thù, điều kiện tham gia phải bảo đảm. Phải chuẩn bị chính sách, pháp luật, giáo dục, tuyên truyền để hai chủ thể đi đến với nhau; Nhà nước phải bảo đảm hợp đồng tốt để khách hàng tự bảo vệ chính mình. Cần quay trở lại vấn đề hợp đồng mẫu, để tránh giữa các công ty bảo hiểm mỗi nơi một kiểu.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình xử lý vi phạm. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội cũng phải công bố thông tin đánh giá các doanh nghiệp.
Thứ ba, rất cần các biện pháp ghi âm ghi hình các hợp đồng, thậm chí phát cho người mua bảo hiểm hướng dẫn cụ thể và chịu trách nhiệm về hướng dẫn đó. Thông qua việc ứng dụng công nghệ cao trong quản lý hoạt động của lĩnh vực này, để ghi lại toàn bộ dấu vết về quan hệ tài chính.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa giáo dục, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này, nhất là công tác truyền thông.
Thứ năm, nâng cao năng lực của các cơ quan tư pháp trong lĩnh vực này. Qua đó, vụ việc vi phạm, cơ quan tư pháp đủ chuyên môn để giải quyết đúng người, đúng tội, tránh oan sai.
Thứ sáu, các cơ quan Nhà nước phải nghiên cứu kỹ việc tăng tính chế tài. Tất cả văn bản hiện nay về lĩnh vực này phải tăng chế tài vì nó liên quan đến toàn bộ hệ thống doanh thu, lợi nhuận… Tăng cả chất lượng và số lượng chế tài, là cách tạo hàng rào bao quanh bên ngoài để chúng ta bảo vệ các quan hệ cốt lõi.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ông Đỗ Minh Hoàng, Quyền Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) chia sẻ các vụ lùm xùm trong lĩnh vực bảo hiểm đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành, điển hình là Bảo hiểm Agribank - một đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ, cũng không phải ngoại lệ khi ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022.Tuy nhiên, Bảo hiểm Agribank luôn kiên định đi tiên phong triển khai hoạt động kinh doanh chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để bảo vệ vốn của ngân hàng mẹ (Agribank). Bảo hiểm Agribank đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ, qua khó khăn cũng là dịp để nhìn lại chính mình, để hoàn thiện hơn.
Về Agribank, bên cạnh việc có văn bản yêu cầu Bảo hiểm Agribank tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng, trong tháng 4 cũng đã thành lập 8 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động triển khai bảo hiểm đối với các đơn vị thành viên trong toàn quốc, bán các sản phẩm phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm, Bảo hiểm Agribank xác định phải tập trung vào tất cả các khâu: trước, trong quá trình bán hàng và cả dịch vụ sau bán hàng. Trong đó, hai yếu tố mang tính chất kim chỉ nam cơ bản:
Thứ nhất, mọi hành vi của mình phải luôn lấy khách hàng làm trung tâm, phải coi trọng quyền, đặt quyền lợi tối ưu cho khách hàng.
“Khách hàng của Bảo hiểm Agribank đến 95% là bà con nông dân. Nếu mình cứ đưa ra những hợp đồng phức tạp, sản phẩm rườm rà, đưa ra những quy trình và thủ tục nhiêu khê thì đương nhiên chúng tôi không thể tồn tại 16 năm qua bên cạnh dòng vốn tín dụng của Agribank được. Do vậy chúng tôi quan niệm, hoạt động thiết thực đầu tiên là phải thiết kế cho được sản phẩm đơn giản, dễ hiểu và có thể chuyển đổi số ngay lập tức”, ông Hoàng chia sẻ.
Thứ hai là phải tăng cường công tác đào tạo đại lý, tuyên truyền giáo dục rồi công tác truyền thông kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, rồi các cơ quan đài, báo tại địa phương để đưa tin, viết bài về chương trình ưu đãi của gói tín dụng Bảo hiểm Agribank.
Bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng thiết lập những bộ phận chăm sóc khách hàng, đường dây nóng 24/7, nâng cao các ứng dụng về công nghệ thông tin.
Thời gian qua, Agribank đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bộ NN-PTNT để triển khai cung cấp tín dụng cho đề án năm vùng nguyên liệu thí điểm đạt chuẩn, và đề án triệu ha lúa đạt cao sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiệm vụ này Agribank cũng giao trách nhiệm cho Bảo hiểm Agribank phải có thiết kế các sản phẩm bảo hiểm để bảo vệ vốn tín dụng trong khu vực tam nông này.
BẢO HIỂM AGRIBANK./.